Bà Lê Thị N.D. – vợ ông Trịnh Văn Quyết – được cho là đã huy động mọi nguồn lực, “vay mượn” anh em, họ hàng, bạn bè để thay mặt chồng nộp khắc phục hậu quả vụ án thêm hơn 25 tỷ đồng.
Chiều 23/7, phiên xét xử cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cùng 49 bị cáo khác trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Thao túng thị trường chứng khoán,… xảy ra tại Tập đoàn FLC tiếp tục phần xét hỏi.
Quá trình diễn ra phiên tòa, bà Lê Thị N.D. vợ ông Trịnh Văn Quyết có đơn gửi tới Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP Hà Nội về việc nộp tiền bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả.
Theo đó, bà D. đã thay mặt chồng nộp khắc phục hậu quả thêm 25,1 tỷ đồng.
“Thực hiện theo mong muốn, nguyện vọng của chồng tôi – anh Trịnh Văn Quyết về việc khắc phục toàn bộ hậu quả của vụ án, gia đình chúng tôi đã tiếp tục huy động mọi nguồn lực, vay mượn anh em, họ hàng, bạn bè tối đa để nộp tiền khắc phục hậu quả ở mức cao nhất và đến nay gia đình chúng tôi đã vay mượn, huy động thêm được số tiền 25,1 tỷ đồng để khắc phục hậu quả của vụ án”, bà D. nêu trong đơn.
Trước đó, bà D. đã thay mặt chồng nộp khắc phục hậu quả thêm 23 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền ông Trịnh Văn Quyết khắc phục hậu quả vụ án gần 240 tỷ đồng.
Tại phần xét hỏi sáng cùng ngày, ông Quyết thừa nhận mọi cáo buộc trong cáo trạng cũng như đồng ý với những mô tả về 2 hành vi phạm tội của mình là Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trả lời câu hỏi của chủ tọa về mục đích khi nâng khống giá trị công ty, thao túng giá cổ phiếu, ông Quyết khẳng định chưa bao giờ có ý đồ chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.
“Việc thành lập hay mua lại công ty là để bị cáo thực hiện chủ trương làm về lĩnh vực xây dựng. Bị cáo luôn mong muốn có một công ty xây dựng để chủ động trong các hoạt động đầu tư, xây dựng của hệ thống FLC, thậm chí nếu phát triển tốt hơn sẽ xây dựng cho các dự án ngoài”, cựu Chủ tịch FLC trình bày.
Trước những câu hỏi về vốn góp thực của Công ty Faros; số tiền thu được sau khi bán cổ phiếu ROS; mục đích sử dụng tiền để làm gì, cựu Chủ tịch FLC đều trả lời không nhớ chính xác và đồng thuận với những nội dung đã có trong cáo trạng.
Ông Quyết cũng xác nhận lời khai của những bị cáo trước đó và khẳng định lời khai của mình là hoàn toàn tự nguyện.
Cáo buộc thể hiện, với mục đích chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư để sử dụng vào mục đích cá nhân, ông Trịnh Văn Quyết đã sử dụng Công ty Faros làm công cụ, chỉ đạo các bị can khác thực hiện hành vi gian dối nhằm tăng khối vốn góp chủ sở hữu tại công ty này từ 1,5 tỷ lên 4.300 tỷ đồng.
Để chiếm đoạt được tiền, ông Quyết giao ông Doãn Văn Phương (cựu Tổng giám đốc Tập đoàn FLC, đã bỏ trốn) và bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Quyết) trực tiếp chỉ đạo và điều hành toàn bộ hoạt động để hợp thức hồ sơ nâng vốn khống; trực tiếp nhờ một số cá nhân đứng tên là cổ đông nhận chuyển nhượng cổ phần của Công ty Faros.
Cáo buộc cho rằng, các bị can thuộc Công ty Faros, một số công ty kiểm toán, người thân quen của ông Trịnh Văn Quyết, bà Trịnh Thị Minh Huế… đã thực hiện chỉ đạo của ông Phương và bà Huế ký hợp thức các thủ tục nâng khống vốn góp và hợp thức sử dụng vốn góp khống; ghi nhận thông tin gian dối này vào báo cáo tài chính kiểm toán…
Với động cơ, mục đích, thủ đoạn nêu trên, ông Trịnh Văn Quyết đã sử dụng sàn HOSE làm phương tiện để bán hơn 391 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp nâng khống cho 30.403 nhà đầu tư trên sàn chứng khoán, chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng.