Đặc sản Cao Bằng đều là những món ăn bình dị, mang đậm hương vị của núi rừng vùng cao. Một khi đã thưởng thức qua, đều để lại cho thực khách những dư vị khó quên.
1. Lạp sườn (lạp xưởng)
Lạp sườn được làm từ thịt thăn, vai, thịt mông, lòng lợn. Với những bí quyết tẩm ướp bí truyền, lạp sườn có vị chua chua, mằn mặn cộng thêm một chút vị cay của gừng, quả, lá mắc mật. Với hương vị thơm ngon đặc trưng, món ăn dần trở thành đặc sản Cao Bằng gây thương nhớ.
2. Vịt quay bảy vị
Vịt quay bảy vị là món ăn xuất hiện khá nhiều trong những dịp lễ quan trọng, ngày Tết ở Cao Bằng. Vịt được ướp với công thức gia truyền, công phu trong từng thớ thịt. Sau khi đã thấm gia vị, người ta rưới lên thân một ít giấm và mật ong rồi nướng đến khi chín vàng trên than tre. Vịt quay bảy vị ngon nhất là khi ăn kèm với rau thơm, bún sợi, bánh tráng, xôi hoặc nộm. Thêm một ly rượu ngô cay nồng nữa là có thể nhâm nhi món ăn cả ngày. Vịt quay bảy vị là đặc sản Cao Bằng mà mọi du khách phải thử khi đến đây.
3. Thịt lợn chua
Thịt lợn chua, một món ăn đặc biệt với nguyên liệu chính là thịt lợn. Từ lâu, đồng bào Tày, Nùng, Mông, Dao… ở huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm, Cao Bằng đã có món thịt lợn chua ngon nổi tiếng. Bằng sự khéo léo và óc sáng tạo, người dân đã chế biến được đặc sản thịt lợn chua ngon trứ danh gần xa. Thịt lợn, sau khi làm sạch và tẩm ướp gia vị vừa ăn, sẽ được lót lá ổi và ủ lên men trong ống nứa. Sau một thời gian, bạn chỉ có việc đem thịt đã lên men vừa đủ ra xào lại và ăn cùng với cơm trắng. Tuy là món ăn đơn giản nhưng vô cùng bắt cơm, ngon miệng.
4. Hạt dẻ Trùng Khánh
Hạt dẻ Trùng Khánh là loại đặc sản Cao Bằng được nhiều du khách ưa chuộng. Loại hạt dẻ này được trồng tại huyện Trùng Khánh cách TP. Cao Bằng khoảng 58 km. Hạt dẻ có nhiều vào khoảng tháng 9 đến tháng 10 âm lịch hàng năm và chỉ ở Cao Bằng mới có đủ điều kiện thời tiết để cây hạt dẻ Trùng Khánh phát triển. Hạt dẻ tại đây có vị béo bùi thơm ngon, kích thước to tròn hấp dẫn.
5. Bánh bò
Bánh bò Cao Bằng được làm từ ba nguyên liệu chính là đường đen, men và gạo tẻ. Vị bánh ngọt thanh, vỏ màu vàng hơi xốp với phần ruột mềm mịn. Bánh bò được làm trong khuôn lớn rồi cắt ra thành từng miếng vừa ăn, khi đến tay người mua vẫn còn giữ được hơi nóng. Bánh vừa thơm, vừa nóng, ăn vô cùng bắt miệng.
6. Trà giảo cổ lam
Nếu có dịp đến Cao Bằng, bạn nhất định phải thử qua trà giảo cổ lam. Giảo cổ lam là loại thảo dược sống tập trung tại vùng đồi núi phía Bắc. Uống trà giảo cổ lam có tác dụng cung cấp cho cơ thể nhiều loại vitamin và khoáng chất quý hiếm như flavonoid, saponin, kẽm, selen, manga, photpho, sắt… Tại Cao Bằng, bạn có thể mua trà giảo cổ lam dạng túi lọc, sấy khô hoặc sấy lạnh để làm quà cho bạn bè và người thân sau chuyến đi.
7. Thạch đen
Thoạt nhìn thạch đen khá giống với sương sáo. Thạch đen được làm từ một loại cây cùng tên, vốn là món ăn và bài thuốc có tác dụng giải nhiệt, có tính mát và vị ngọt,… Khi thưởng thức thạch đen, người ta thường pha kèm một ít nước đường hoa mai, ăn vô cùng bắt miệng.
8. Bánh Coóng Phù
Bánh Coóng Phù là một dạng bánh trôi đặc sắc của vùng Cao Bằng. Bánh được làm từ gạo nếp, đường, đậu phộng, mè và gừng tươi, với cách làm tương tự như làm bánh trôi bình thường nhưng không có nhân bánh và có nhiều màu. Một bát bánh Coóng Phù ấm nóng sẽ là lựa chọn lý tưởng cho du khách khi du lịch đến Cao Bằng.
9. Bánh trứng kiến
Một trong những đặc sản Cao Bằng nổi tiếng mà bạn không thể bỏ qua đó là bánh trứng kiến. Đây là món ăn đặc sắc của người Tày tại Cao Bằng. Món bánh này được làm từ trứng kiến, bột gạo với vỏ bánh là lá vả. Vào tháng 3 đến tháng 5 âm lịch hàng năm, khi đến Cao Bằng, bạn sẽ thấy món bánh trứng kiến này xuất hiện nhiều nơi, vì đây là khoảng thời gian giao mùa nên xuất hiện nhiều trứng kiến.
10. Bánh cuốn Cao Bằng
Với món bánh cuốn Cao Bằng, thay vì ăn cùng nước mắm, thì người dân địa phương sẽ thưởng thức kèm với nước canh được ninh từ xương ống heo. Khi thưởng thức, họ sẽ cho thêm ớt, măng ngâm, lá mắc mật để hương vị nước canh thêm phần đậm đà, hấp dẫn hơn.
Ngoài ra, điểm đặc biệt của món ăn này còn phải kể đến phần bánh cuốn. Bột dùng để tráng bánh phải là bột gạo tẻ đặc sản Cao Bằng, ngâm và xay nhuyễn mịn, có độ sánh, dẻo vừa đủ thì mới mang đi tráng. Phần nhân của bánh cuốn Cao Bằng sẽ gồm thịt băm xào cùng mộc nhĩ hoặc trứng gà tùy theo sở thích của thực khách.