Theo đó, thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21 tháng 3 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách, Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch 3163/KH-BCT ngày 13 tháng 5 năm 2024 triển khai thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg.
Theo kế hoạch này Bộ Công Thương sẽ cụ thể hóa các nhiệm vụ của Bộ, của ngành Công Thương triển khai các nhiệm vụ được nêu tại Chỉ thị số 7/CT-TTg, đảm bảo công tác truyền thông chính sách được quan tâm triển khai tích cực và thường xuyên trong quá trình xây dựng, thực thi và hoàn thiện chính sách; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hoạt động truyền thông chính sách từ cấp ủy, người đứng đầu đến các cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị thuộc Bộ; tạo được sự đồng thuận của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với các chính sách đã ban hành; đồng thời, tiếp thu ý kiến của nhân dân để hoàn thiện chính sách, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong công việc thực thi chính sách.
Bộ Công Thương có nhiệm vụ thực hiện và chỉ đạo thực hiện hiệu quả việc công khai thông tin, phát ngôn và cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, theo dõi việc thi hành Luật Tiếp cận thông tin; Luật Báo chí; Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước; Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2027 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027”; Quyết định số 1575/QĐ-BCT ngày 15 tháng 6 năm 2021 về việc ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Công Thương.
Xây dựng kế hoạch truyền thông chính sách hàng năm và linh hoạt triển khai hoạt động truyền thông từ khi hoạch định chủ trương, xây dựng, hoàn thiện, ban hành và thực thi chính sách.
Tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông chính sách, coi đây là một nhiệm vụ thường xuyên của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực Công Thương.
Bố trí cán bộ phụ trách công tác truyền thông chính sách ở các đơn vị, các Trường, Viện thuộc Bộ Công Thương và các Sở Công Thương. Xây dựng mạng lưới truyền thông chính sách trong toàn ngành Công Thương. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ làm công tác truyền thông chính sách, đảm bảo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.
Bố trí kinh phí, đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác truyền thông chính sách. Thực hiện việc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí, truyền thông làm nhiệm vụ truyền thông chính sách phù hợp với yêu cầu và quy định của pháp luật.
Chú trọng đổi mới nội dung, hình thức truyền thông chính sách. Đa dạng các kênh truyền thông để phù hợp với từng nhóm công chúng, trong đó ưu tiên đẩy mạnh truyền thông trên các nền tảng số.
Tổng hợp, theo dõi thông tin về quá trình hoạch định chủ trương, xây dựng, hoàn thiện, ban hành và thực thi chính sách. Phối hợp đấu tranh, ngăn chặn tin giả, tin xấu độc liên quan đến các chính sách trong lĩnh vực Công Thương.
Tăng cường phối hợp chặt chẽ, kịp thời, có hiệu quả giữa các Trường, Viện thuộc Bộ Công Thương và các Sở Công Thương với các cơ quan báo chí, truyền thông trong công tác truyền thông chính sách.
Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, các sở Công Thương phối hợp với Văn phòng Bộ Xây dựng kế hoạch truyền thông chính sách phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của các đơn vị hoặc bổ sung nhiệm vụ truyền thông chính sách vào kế hoạch nhiệm vụ để tổ chức thực hiện.
Sắp xếp, bố trí cán bộ kiêm nhiệm làm công tác truyền thông chính sách, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị căn cứ vào hướng dẫn về vị trí việc làm, định mức biên chế của công chức, viên chức làm công tác truyền thông chính sách của Vụ Tổ chức cán bộ.
Thực hiện nghiêm túc việc công khai thông tin; phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; Quyết định số 1908/QĐ-BCT ngày 25 tháng 7 năm 2023 của Bộ Công Thương về việc Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2027 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027”.
Tăng cường ứng dụng công nghệ, các nền tảng số và các phương thức truyền thông mới để thực hiện hiệu quả công tác truyền thông chính sách. Sử dụng Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị phục vụ công tác truyền thông chính sách và cung cấp thông tin, xử lý các vấn đề dư luận quan tâm thuộc lĩnh vực quản lý của các cơ quan, đơn vị.
Báo Công Thương, Tạp chí Công Thương, Trung tâm Truyền thông – Truyền hình Công Thương phát huy vai trò tích cực của cơ quan báo chí thuộc Bộ trong thực hiện truyền thông chính sách ngành Công Thương, nâng cao hiệu quả định hướng thông tin, dư luận; gắn công tác truyền thông chính sách với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch; khuyến khích đổi mới, sáng tạo về nội dung và hình thức truyền thông chính sách, bảo đảm chủ động, kịp thời, chất lượng, hiệu quả;
Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục truyền thông chính sách trên Báo Công Thương, Tạp chí Công Thương; tổ chức truyền thông thông qua các ứng dụng mạng xã hội và hình thức truyền thông phù hợp khác.
Tăng cường chất lượng, dung lượng nội dung truyền thông chính sách, đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí, ứng dụng công nghệ, đổi mới phương thức truyền thông để tạo hiệu quả truyền thông chính sách.
Phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với Văn phòng Bộ, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, các sở Công Thương và các cơ quan báo chí truyền thông khác trong công tác truyền thông chính sách về ngành Công Thương.
Các đơn vị thuộc Bộ, các Sở Công Thương và các cơ quan, đơn vị liên quan trực thuộc Bộ báo cáo kết quả truyền thông chính sách hàng năm trước ngày 25 tháng 12 (qua Văn phòng Bộ) để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng, các Thứ trưởng và Bộ Thông tin và Truyền thông.
Nguồn: Báo Công Thương