Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng – vị tư lệnh đầu tiên của ngành Tài chính cách mạng
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng – nhà cách mạng tiền bối của Đảng, một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là người được Hồ Chủ tịch và Chính phủ giao trọng trách Bộ trưởng đầu tiên của ngành Tài chính ngay sau ngày Chính phủ Lâm thời ra mắt quốc dân, đồng bào (9/1945 – 3/1946).
Đồng chí Phạm Văn Đồng (1/3/1906- 29/4/2000) sinh ra trong một gia đình trí thức ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Khi còn là một thanh niên, đồng chí Phạm Văn Đồng đã sớm giác ngộ cách mạng, đã biết đến lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và tìm hiểu tư tưởng cách mạng của Người thông qua sách báo được truyền bá vào Việt Nam lúc bấy giờ như báo “Người cùng khổ”, “Nhân đạo”, “Tạp chí thư tín quốc tế”… Năm 1926, đồng chí được sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức và trực tiếp giảng dạy. Đây là một bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí. Nhanh chóng tiếp thu những tư tưởng mới – con đường cách mạng vô sản, đồng chí đã được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội và từ đó có điều kiện gặp gỡ nhiều hơn với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc… Đầu năm 1940, khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người đã giao cho đồng chí những nhiệm vụ quan trọng. Đặc biệt, tháng 8/1945, tại Đại hội Quốc dân Tân Trào, được bầu vào Ủy ban Thường trực gồm 5 người thuộc Ủy ban Dân tộc giải phóng, chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám. Đồng chí Phạm Văn Đồng là người có nhiều công lao trong xây dựng và quản lí nhà nước. Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (1947), ủy viên chính thức (1949). Ủy viên Bộ Chính trị các khóa II, III, IV, V (2.1951-1986). Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng (từ tháng 12-1986 đến năm 1997). Đại biểu Quốc hội các khóa I, II, III, IV, V, VI, VII (từ năm 1946 – 1987). |
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ lâm thời sau phiên họp đầu tiên ngày 3/9/1945, Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng – người thứ 2 hàng trên, từ trái sang
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam. Nhà nước công nông non trẻ phải đương đầu với ba thứ giặc, đó là “giặc đói”, “giặc dốt” và giặc ngoại xâm. Tình hình chính trị, xã hội vô cùng gian nan, phức tạp, ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”.
Ngân quỹ của chính quyền Cách mạng non trẻ gần như trống rỗng, trong khi Đảng và Chính phủ phải đứng trước nhiệm vụ rất nặng nề và cấp bách: xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng và lực lượng vũ trang nhân dân, chống âm mưu và hành động bạo loạn lật đổ cùng hành động xâm lược của các thế lực thù địch, khôi phục và phát triển sản xuất, giải quyết hậu quả nặng nề của nạn đói và thiên tai, lũ lụt gây ra… Một trong những nhiệm vụ, sứ mệnh nặng nề của ngành Tài chính non trẻ lúc này là phải huy động mọi nguồn lực tài chính để đáp ứng nhu cầu chi tiêu khẩn cấp và quan trọng của Chính phủ, góp phần bảo vệ và củng cố chính quyền cách mạng mới thành lập.
Với vai trò là người đứng đầu ngành Tài chính trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng đã chỉ đạo toàn Ngành tập trung xây dựng hệ thống chính sách tài chính theo quan điểm lấy dân làm gốc, dựa vào dân, phục vụ nhân dân vừa đảm bảo lợi ích quốc gia, vừa phù hợp với quyền lợi và nguyện vọng của nhân dân. Bộ trưởng đã cùng toàn ngành Tài chính tiến hành cải cách hệ thống thuế cũ, bãi bỏ các thứ thuế bất hợp lý, xây dựng một chế độ thuế mới phù hợp, đồng thời kêu gọi nhân dân tự nguyện đóng góp, ủng hộ chính quyền cách mạng. Việc khôi phục, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, coi đây là quốc sách hàng đầu cũng được ngành Tài chính thực hiện góp phần khích lệ toàn dân tham gia hiệu quả vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc…
Bên cạnh các giải pháp cấp bách nói trên, ngành Tài chính cũng sớm xác định các nguồn thu lâu dài và thường xuyên cho NSNN phải dựa trên nghĩa vụ đóng góp theo pháp luật Nhà nước của toàn xã hội cũng như mỗi công dân, nên đòi hỏi phải sớm có những chính sách huy động các nguồn lực công bằng, thường xuyên, đều đặn.
Đặc biệt, để chủ động về mặt tài chính, khẳng định chủ quyền và sự độc lập về chính trị, kinh tế của Nhà nước cách mạng non trẻ, ngành Tài chính đã phát hành thành công Giấy bạc Tài chính hay Giấy Bạc Cụ Hồ, vừa làm vũ khí sắc bén đấu tranh có hiệu quả trên mặt trận kinh tế, tài chính, tín dụng, tiền tệ, vừa đảm bảo cung cấp cho nhu cầu chi tiêu tài chính của đất nước và quốc phòng. Đồng thời, đây cũng là cơ sở quan trọng cho việc hình thành một nền tài chính độc lập, tự chủ, lấy dân làm gốc, dựa vào dân và phục vụ lợi ích của nhân dân. Theo đó, tháng 11/1945, để thực hiện chủ trương phát hành một đồng bạc độc lập, Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã cho mời 4 họa sỹ nổi tiếng đương thời là Mai Văn Hiến, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Văn Khanh, Nguyễn Huyến cùng các họa sỹ Nguyễn Sáng, Bùi Trang Chước, Lê Khả chia ra làm nhiều nhóm để tham gia vẽ mẫu tiền Giấy bạc Tài chính Việt Nam. Sau nhiều tháng làm việc miệt mài, các họa sỹ đã cho ra đời 4 mẫu giấy bạc: 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng và 100 đồng… Ngày 3/2/1946, địa phương đầu tiên được Chính phủ lựa chọn phát hành thí điểm Giấy bạc Tài chính Việt Nam là thị xã Quảng Ngãi, sau đó là ở hầu khắp các tỉnh miền Nam Trung Bộ.
Các tầng lớp nhân dân nô nức ủng hộ Quỹ Độc lập và Tuần lễ Vàng tổ chức tại Nhà hát lớn, Hà Nội (tháng 9/1945)
Từ ngày 17/9 đến 24/9/1945, “Tuần lễ Vàng” trong khuôn khổ Quỹ Độc lập nhằm động viên mọi người dân yêu nước tự nguyện góp công, góp của cho Tổ quốc được phát động. Ngày khai mạc ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng đã thay mặt Chính phủ đọc thư gửi đồng bào toàn quốc của Hồ Chủ tịch. Với “Tuần lễ Vàng”, nhân dân Hà Nội đã đóng góp được 2.201 lượng vàng, 920 tạ thóc cùng tiền bạc và các hiện vật khác tổng giá trị trên 7 triệu đồng Đông Dương. Tại Thừa Thiên – Huế, nhân dân, công chức, bộ đội, công nhân tích cực tham gia “Tuần lễ Vàng”, “Tuần lễ đồng”. Riêng Thành phố Huế đã thu được 945 lượng vàng, 3 huyện phía Bắc của Thừa Thiên – Huế đóng góp 10 kg vàng, huyện Phú Vang 25 lượng, Thôn Cự Lại (Phú Vang) đóng góp hơn 5 tạ đồng… Tổng kết Quỹ Độc lập và “Tuần lễ Vàng”, cả nước đã thu được 370 kg vàng và 20 triệu đồng Đông Dương, tương đương với tổng số thuế thân và thuế điền thổ thu được trên toàn quốc trong 1 năm dưới thời Pháp thuộc. Trong bối cảnh kinh tế và đời sống lúc đó, kết quả trên là một con số rất lớn có ý nghĩa quan trọng, đồng thời cho thấy lòng yêu nước của nhân dân, nhất là nhân dân lao động rất cao…
Dấu ấn Bộ trưởng Lê Văn Hiến
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Hiến (hàng trên cùng) và
Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng tại Đại hội thi đua yêu nước năm 1951. Ảnh: TL
Cụ Lê Văn Hiến sinh ngày 15/9/1904 trong một gia đình lao động tại Phước Ninh, Đà Nẵng: nguyên quán thôn An Nông, xã Hòa Hải, huyện Hòa Vang tỉnh Quảng Nam nay thuộc thành phố Đà Nẵng. Cha và ông của cụ đều là những người lao động nghèo, chịu nhiều áp bức, bóc lột và những đắng cay cơ cực dưới chế độ thực dân phong kiến. Tuy gia đình nghèo nhưng Cụ rất hiếu học. Khi còn trẻ, Cụ có nhiều dịp tiếp xúc với các phong trào yêu nước và các nhà yêu nước. Đến năm 1927 Lê Văn Hiến cùng một số đồng chí thành lập chi bộ đầu tiên của Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội tại Đà Nẵng. Năm 1928 Cụ là đại diện của chi bộ Đà Nẵng đi dự Đại hội kỳ bộ của Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Năm 1929, cơ sở cách mạng bị vỡ lở, Lê Văn Hiến và vợ bị bắt vì bị tình nghi. Nhưng do chứng cớ chưa rõ ràng, lại được sở bưu điện đánh giá là một chuyên gia xuất sắc, nên thay vì bị bỏ tù, Cụ bị thuyên chuyển vào Nha Trang. Tại đây Cụ vẫn tiếp tục hoạt động cho phong trào. Đến tháng 11/1930 – 11/1935 mật thám Pháp bắt Lê Văn Hiến và bị kết án tù khổ sai. Cuốn “Ngục Kon Tum” gây tiếng vang lớn trong dư luận Đông Dương và Pháp được viết giai đoạn này. Ra tù, Cụ tiếp tục hoạt động cách mạng và được phân công làm công tác tài chính của Đảng. Ngoài ra, cuộc lao tù lần thứ hai diễn ra ở nhà lao Đà Nẵng từ tháng 2/1939. Đó là lúc vợ cụ – nhà nữ cách mạng xuất sắc Thái Thị Bôi mới chết được một năm do lâm bệnh nặng bỏ lại người con gái chưa đầy 3 tuổi. Trạng sư Trần Văn Chương đã biện hộ tích cực cho Cụ và 10 tháng sau, tháng 12/1939 thực dân Pháp buộc phải thả Lê Văn Hiến. Đến tháng 5/1940 khi từ Hà Nội trở về Đà Nẵng thì Cụ bị Pháp bắt lại, đến tháng 5/1945 Cụ được thả về. Tới Đà Nẵng, Lê Văn Hiến tham gia ngay việc tổ chức khởi nghĩa và được cử làm Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa của Đà Nẵng cùng cả nước giành chính quyền thắng lợi vào tháng 8/1945. Sau đó Lê Văn Hiến giữ chức Chủ tịch UBND Đà Nẵng. Nhưng chỉ một tuần sau Cụ được Hồ Chủ Tịch chỉ định làm Bộ trưởng Bộ Lao động trong chính phủ lâm thời. Đến đầu tháng 2/1945, Cụ Lê Văn Hiến được Hồ Chủ tịch cử làm đặc phái viên của Chính phủ đi kiểm tra chỉnh đốn các cơ quan chính quyền địa phương, kinh lý các mặt trận ở Trung Bộ và Nam Bộ. Cuối tháng 2/1946, Cụ trở về Hà Nội và được giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính, đồng thời là Bí thư Việt Minh đoàn của các cơ quan Chính phủ. Trong năm 1946 và suốt 8 năm kháng chiến, Lê Văn Hiến đóng vai trò chủ chốt trong việc tổ chức công tác kinh tế tài chính. Năm 1949 Lê Văn Hiến kết hôn với bà Lê Thị Xuyến – Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Đến năm 1961, khi Cụ đang học tại trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chủ tịch lại gọi Cụ về để giao nhiệm vụ mới: giúp cho cách mạng Lào. Lê Văn Hiến lên đường làm công tác ngoại giao.Trong suốt 15 năm ở cương vị Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cụ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Hồ Chủ tịch giao phó. |
Đây là vị Bộ trưởng Bộ Tài chính trong 12 năm liên tục (1946-1958) từ lúc phát hành đồng tiền đầu tiên, trải qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cho đến khi hoàn thành công cuộc khôi phục kinh tế.
Từ xuất phát điểm là một người không có kiến thức chuyên sâu về tài chính, nhưng với ý chí quyết tâm cao độ, không ngừng học hỏi, tìm tòi cả trong lý thuyết và thực tiễn, Bộ trưởng Lê Văn Hiến đã lãnh đạo ngành Tài chính hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, không những góp phần đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi quyết định, mà còn chuẩn bị đủ vật lực cho sự nghiệp khôi phục kinh tế sau ngày hòa bình lập lại, tạo cơ sở vững chắc cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Những tờ tiền do Bộ Tài chính và ngân khố Trung ương phát hành sau Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Những nét lớn và tổng quát của công tác tài chính trong suốt thời kỳ 9 năm kháng chiến đã được thực hiện là: Chuẩn bị lương thực, kho tàng thóc gạo, muối, xăng dầu, cho kháng chiến lâu dài; tổ chức cơ sở vững chắc lâu dài in giấy bạc Ông Hồ, nguồn lực cấp phát chủ yếu để nuôi bộ đội, bộ máy Nhà nước và đầu tư cho nông nghiệp, giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa…; xây dựng và nuôi dưỡng các công xưởng (kể cả quân giới và dân sự); khôi phục quản lý các đồn điền, nông trại…
Đặc biệt là phát động hiệu quả, sôi nổi phong trào toàn dân tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Đây là chủ trương chính sách quan trọng và cơ bản nhất của nền tài chính toàn dân, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, tạo của cải nguồn lực, cơ sở vật chất, hàng hóa có thặng dư, đóng góp cung cấp phục vụ cho công cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện. Tiêu biểu như: Về sức người là dân công, dân quân, du kích, cung cấp bộ đội chủ lực; ở nhà dân, làm trụ sở cơ quan; thực hiện giảm tô, giảm tức, bộ đội giúp dân gặt hái, khoan sức để dân phát triển nông nghiệp; thu thuế công thương nghiệp hợp lý với hoàn cảnh kháng chiến; các sắc thuế chuyển đổi hàng hóa ở hai vùng tự do tạm chiếm…
Thời kỳ từ những năm 1950 trở đi thực hiện thuế nông nghiệp là một sáng tạo, thu thuế chủ yếu, chủ lực của ngành Tài chính, huy động sức dân lúc bấy giờ, là một khoản thu tính cả diện tích, sản lượng, thu nhập, doanh số – thu hiện vật là chính sau có điều kiện mới chuyển bằng thu tiền.
Thứ thuế này coi như linh hồn, nguồn lực của nhân dân đóng góp cho kháng chiến giành thắng lợi. Trong những năm kháng chiến, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Lê Văn Hiến, việc xây dựng và chấp hành ngân sách nhà nước đã được tiến hành hết sức chặt chẽ, với tinh thần trách nhiệm cao. Bên cạnh các khoản thu được tích cực động viên khai thác, các khoản chi đã được bố trí, sắp xếp theo tinh thần hợp lý, giới hạn ở mức tối cần thiết.
Sau ngày hòa bình lập lại và bước vào giai đoạn khôi phục kinh tế, dưới sự chỉ đạo của ông, mọi chính sách thu chi ngân sách đã luôn được thiết kế theo hướng vừa thiết thực góp phần phục hồi và thúc đẩy sản xuất, vừa thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí.
Chính vì ngân sách được xây dựng và chấp hành với tinh thần triệt để tiết kiệm như vậy, nên một số ngành, một số địa phương đã phản ứng, kêu ca là ông quá chặt chẽ, khắt khe, thậm chí còn gọi ông là “dân cá gỗ hạng nặng”.
Dù trên cương vị lãnh đạo ở cơ quan hay trong cuộc sống thường ngày, Bộ trưởng Lê Văn Hiến luôn thể hiện tính năng động tháo vát, tinh thần dũng cảm, tiên phong, gương mẫu, sẵn sàng hy sinh quên mình vì lợi ích chung, vì đồng đội. Trong ký ức của lớp cán bộ được sống và làm việc cùng Bộ trưởng Lê Văn Hiến, ông là một người khoan hòa, gần gũi, với ánh mắt tươi vui và vầng trán thông minh trí tuệ, luôn thương yêu, dìu dắt cán bộ, nêu gương sáng về đạo đức, ý chí cách mạng, bản lĩnh, trách nhiệm.
Với ý thức trách nhiệm cao, tuân thủ sự phân công của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng sự kiên trì tự học, nhất là sự ứng xử từng trải, nghĩa tình, tư cách mẫu mực và khả năng tổ chức, Bộ trưởng Lê Văn Hiến đã quy tụ, hoạch định, phát huy sức mạnh, sự quyết tâm của tập thể cán bộ nhân viên của ngành Tài chính nỗ lực xây dựng và phát triển ngành vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân giao phó. Bộ trưởng Lê Văn Hiến lãnh đạo Bộ Tài chính thực hiện hiệu quả đường lối kháng chiến kiến quốc trong công cuộc kháng chiến (1946 – 1954) và khôi phục phát triển kinh tế trong thời kỳ đầu hòa bình ở miền Bắc (1955 – 1958).
Từ các việc lớn liên quan đến lợi ích của quốc gia, dân tộc đến các việc nhỏ trong sinh hoạt hằng ngày, dù là trong điều kiện sống ở vùng ATK Việt Bắc thời kỳ kháng chiến, hay ở giữa lòng Thủ đô thời kỳ hòa bình, ông đều nhất quán, kiên trì thực hiện triệt để tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí.
Bộ trưởng Lê Văn Hiến thực sự là người đi đầu trong việc xây dựng nền móng phát triển ngành, là tấm gương mẫu mực theo chuẩn mực đạo đức của người cán bộ mà Bác Hồ đã dặn: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Bộ trưởng Lê Văn Hiến đã để lại nét son truyền thống cho ngành Tài chính và trở thành niềm tự hào của ngành trong thời đại Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trân trọng gọi ông là: “Một nhà cách mạng lẫm liệt nhiều năm”.
Cố Bộ trưởng Bộ tài chính Lê Văn Hiến (15/9/1904 – 15/11/1997) sinh ra trong một gia đình lao động tại Phước Ninh, Đà Nẵng. Khi còn trẻ, Ông có nhiều dịp tiếp xúc với các phong trào yêu nước và các nhà yêu nước. Đến năm 1927 Lê Văn Hiến cùng một số đồng chí thành lập chi bộ đầu tiên của Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội tại Đà Nẵng. Năm 1928 ông là đại diện của chi bộ Đà Nẵng đi dự Đại hội kỳ bộ của Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Đến tháng 11/1930 – 11/1935 mật thám Pháp bắt Lê Văn Hiến và bị kết án tù khổ sai. Cuốn “Ngục Kon Tum” gây tiếng vang lớn trong dư luận Đông Dương và Pháp được viết giai đoạn này. Ra tù, ông tiếp tục hoạt động cách mạng và được phân công làm công tác tài chính của Đảng. Ông bị bắt lần thứ 2 và bị giam tại nhà lao Đà Nẵng từ tháng 2/1939 – tháng 12/1939. Từ 5/1940 – tháng 5/1945 ông tiếp tục bị bắt. Ra tù ông tham gia ngay việc tổ chức khởi nghĩa và được cử làm Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa của Đà Nẵng cùng cả nước giành chính quyền thắng lợi vào tháng 8/1945. Sau đó, ông giữ chức chủ tịch UBND Đà Nẵng và ông được Hồ Chủ Tịch chỉ định làm Bộ trưởng Bộ Lao động trong chính phủ lâm thời. Đến đầu tháng 2/1945, Ông Lê Văn Hiến được Hồ Chủ tịch cử làm đặc phái viên của chính phủ đi kiểm tra chỉnh đốn các cơ quan chính quyền địa phương, kinh lý các mặt trận ở Trung Bộ và Nam Bộ. Cuối tháng 2/1946, Ông trở về Hà Nội và được giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính, đồng thời là Bí thư Việt Minh đoàn của các cơ quan Chính phủ. Trong năm 1946 và suốt 8 năm kháng chiến, Lê Văn Hiến đóng vai trò chủ chốt trong việc tổ chức công tác kinh tế tài chính. Đến năm 1961 Ông được giao nhiệm vụ mới: giúp cho cách mạng Lào. Lê Văn Hiến lên đường làm công tác ngoại giao.Trong suốt 15 năm ở cương vị Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Hồ Chủ tịch giao phó.
Trong bối cảnh đất nước đang ở trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng, Lê Văn Hiến, ngành Tài chính đã từng bước củng cố, xây dựng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cung cấp cho các nhu cầu chi tiêu to lớn và cấp bách của công cuộc kháng khiến. Ngành Tài chính đã xây dựng và ban hành các chủ trương chính sách về tài chính đúng đắn, vừa đảm bảo lợi ích của quốc gia dân tộc, vừa phù hợp với quyền lợi và nguyện vọng của nhân dân. Những chủ trương chính sách đó đã góp phần thúc đẩy sản xuất, cải thiện một bước đời sống nhân dân, từ đó phát huy tinh thần yêu nước và lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, càng hăng hái tham gia kháng chiến, tham gia các cuộc vận động tăng gia sản xuất và tiết kiệm, sẵn sàng đóng góp để tài chính nhà nước có đủ điều kiện cần thiết đảm bảo cho nhu cầu của kháng chiến, của xã hội.
.
Tài liệu tham khảo:
1. “75 năm Tài chính Việt Nam 1945-2020”, NXB Tài chính
2. Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính: mof.gov.vn.
Vị Bộ trưởng đầu tiên của ngành Tài chính Việt Nam, sau này là Thủ tướng Việt Nam tại vị lâu nhất, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
3. Bộ trưởng Lê Văn Hiến – tấm gương mẫu mực, xuất sắc của ngành Tài chính Việt Nam (https://thoibaotaichinhvietnam.vn/)
4. Về vị Bộ trưởng đầu tiên của ngành Tài chính (https://tapchitaichinh.vn/)
5. Lê Văn Hiến – Vị Bộ trưởng “cá gỗ” (https://cafef.vn/)