Sau khi dành 4 năm học tập tại trường đại học, các bạn sinh viên thường phân vân về những bước đi tiếp theo. Bạn có thể tìm kiếm một công việc toàn thời gian, mở một doanh nghiệp riêng, tiếp tục đi thực tập, dành một năm để gap year hay học lên cao. Hãy cùng Học viện HYP Toàn cầu tham khảo một số gợi ý sau nếu như bạn vẫn còn đang loay hoay trên hành trình tìm đến câu trả lời cho riêng mình sau khi hoàn thành cánh cửa Đại học.
- Công việc toàn thời gian – Bắt đầu cuộc sống của “người trưởng thành”
Đây là lựa chọn của phần đông các bạn sinh viên mới ra trường. Theo Philippa Hardie – một chuyên viên tư vấn nghề nghiệp tại Đại học Chester – các bạn sinh viên mới ra trường nên bắt đầu sự nghiệp của mình tại những doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) bởi các bạn sẽ có nhiều cơ hội học hỏi và tạo ra nhiều đóng góp tích cực cho công ty.
Để có một công việc ưng ý, bạn cần chủ động xây dựng thương hiệu cá nhân của mình. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc tham dự những sự kiện kết nối với nhà tuyển dụng, hội chợ nghề nghiệp hay thông qua chính kênh truyền thông xã hội của bạn. Sở hữu một tài khoản LinkedIn kèm theo một bản CV đầy đủ, chuyên nghiệp sẽ giúp bạn gây ấn tượng mạnh trong mắt những nhà tuyển dụng.
Khi ứng tuyển cho một vị trí công việc, đừng cố che giấu những điểm yếu của mình với nhà tuyển dụng. Thay vào đó, hãy trò chuyện một cách chân thành về dự định của bạn để khắc phục những điểm yếu này trong tương lai. Bên cạnh đó, cũng đừng quên làm nổi bật những điểm mạnh của mình nhé! Nhà tuyển dụng sẽ luôn muốn biết rằng những kiến thức, kinh nghiệm làm việc và hoạt động ngoại khoá trước đó của bạn sẽ giúp ích như thế nào cho công việc của bạn trong tương lai. Hãy nhớ, give the monkey what it wants!
- Khởi nghiệp – Gian nan nhưng cũng đầy ngọt ngào
Think out of the box! Nếu bạn vẫn đang “chật vật” trên con đường tìm kiếm một công việc mơ ước, tại sao bạn không nghĩ đến việc tự tạo công việc đó cho bản thân? Nếu bạn đang nhìn thấy một vấn đề từ thị trường, hay đã sẵn có một ý tưởng kinh doanh tiềm năng, hãy thử suy nghĩ đến lựa chọn này nhé.
Trước khi bắt tay vào khởi nghiệp, bạn cần cân nhắc kĩ xem liệu khởi nghiệp có phải con đường thích hợp dành cho bạn. Trở thành “ông chủ của chính mình” sẽ đặt ra rất nhiều thử thách, bạn sẽ phải học cách cáng đáng cùng lúc nhiều vấn đề, từ việc cung cấp dịch vụ, quảng bá sản phẩm ra thị trường, quản lý tài chính và nhân sự. Bạn sẽ phải chịu vô vàn áp lực và cũng có thể phải đánh đổi cả thời gian dành cho gia đình, sở thích cá nhân.
Tuy nhiên, việc sở hữu một công ty riêng sẽ đem đến cho bạn rất nhiều lợi ích. Vì đây là dự án riêng của bạn, bạn hoàn toàn có quyền đưa ra những quyết định của riêng bạn và linh hoạt về thời gian làm việc. Điều quan trọng hơn, nếu dự án của bạn thành công, bạn sẽ có cơ hội thu về được nhiều lợi nhuận hơn so với một công việc làm thuê.
- Tại sao đã học xong rồi vẫn nên đi thực tập?
Phần đông mọi người thường nghĩ về chương trình thực tập như một hoạt động vì bắt buộc nên phải đối phó mà lại không nhìn nhận những lợi ích khác. Cụ thể, thực tập còn giúp bạn tạo dựng các mối quan hệ, tìm hiểu về môi trường làm việc, khám phá các lĩnh vực mới, bổ sung điểm cộng cho CV và mang lại cả cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Điều quan trọng là các kỳ thực tập ở nước ngoài sẽ mang lại cho bạn cơ hội làm việc thực tế, chứ không chỉ quanh quẩn quay chiếc máy cà phê hay máy photocopy, nên kiến thức thu được là vô cùng lớn.
Đó là lý do tại sao sinh viên nước ngoài sẵn sàng xin thực tập vào dịp hè hay các chương trình thực tập cá nhân sau khi đã tốt nghiệp Đại học. Việc các công ty nước ngoài trả lương cho thực tập sinh cũng là một động lực không nhỏ. Đôi khi bạn còn được hỗ trợ ăn trưa, phí di chuyển hay tham gia các chương trình đào tạo của công ty.
Thật ra, bạn cũng có thể kết hợp giữa việc đi thực tập và gap year bằng cách xin đi thực tập ở nước ngoài.
- Gap year – Ai bảo chỉ dành cho dân 18 tuổi?
Đừng nhầm tưởng gap year chỉ dành cho học sinh tốt nghiệp cấp III. Bằng chứng là các “anh chị” cử nhân đại học cũng có quyền có gap year nếu muốn. Một năm gap year có thể được sử dụng để tham gia các công việc thiện nguyện ở các quốc gia đang phát triển, đi du lịch vòng quanh thế giới (hay trong khu vực Đông Nam Á) hay đơn giản là đi thực tập, đi làm có trả lương. Nhìn chung, tinh thần chính của gap year là vừa tích lũy được kinh nghiệm, vừa được trải nghiệm đời sống và du hý, thăm thú một điểm đến mới lạ.
Có rất nhiều lựa chọn cho những bạn muốn tham gia công việc từ thiện. Bạn có thể xin gia nhập các nhóm từ thiện ở phường, ở trường đại học cũ, hay các tổ chức nhân đạo trong và ngoài nước (hội nạn nhân chất độc da cam, AIESEC, Solidarités Jeunesses Vietnam, VietnamYouth Forum…)
Thực tế đã chứng minh có rất nhiều “tấm gương” gap year sau đại học. Chẳng hạn như câu chuyện của chị Lan Vũ trong câu chuyện Một lần Work&Travel. Ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Dược, chị đã lên đường đến Grand Canyon (Mỹ) và trải nghiệm vừa đi làm thêm, vừa dành dụm tiền lương khám phá nước Mỹ. Hay, Erin (người Úc) đã quyết định tham gia nhiều hoạt động tình nguyện thực tiễn ở các nước Đông Nam Á sau khi tốt nghiệp đại học, rồi mới trở về học thạc sĩ ngành thực tế phát triển ở Úc.
Nói một chuyến gap year mang nhiều hơn ý nghĩa của một năm “xả hơi” là như vậy đó! Đôi khi, nó còn là cơ hội để tăng cường vốn sống và giúp bạn có được thời gian để nhìn nhận lại lĩnh vực mà mình muốn theo đuổi.
- Học lên cao, cao nữa
Việc học lên là lựa chọn của những ai cảm thấy vẫn còn muốn đào sâu tìm hiểu về ngành học chuyên môn. Có nhiều trường hợp lại theo đuổi những chương trình sau đại học với chuyên ngành không hề liên quan ở đại học.
Tuy nhiên, bạn cũng phải xác định rằng việc học trái ngành này rất không hề đơn giản. Nếu không thực sự yêu thích ngành học đó và cũng chẳng muốn học lên cao, tốt nhất là nên đi làm để biết mình thực sự muốn gì rồi hẵng quyết định. Việc học là việc cả đời, và bạn có thể quay lại trường học bất cứ lúc nào!
Lưu ý: Đối với những ai có nguyện vọng theo học trái ngành ở bậc sau đại học, bạn không nhất thiết phải theo học các chương trình thạc sĩ. Phương án tối ưu là các chương trình cấp bằng sau đại học, với độ dài ngắn hơn chương trình thạc sĩ, và khả năng được nhận vào học cũng cao hơn.
Có rất nhiều con đường khác nhau cho bạn lựa chọn sau khi rời khỏi ghế nhà trường. Điều quan trọng là hãy biết rõ mục tiêu của mình, lập kế hoạch thật tốt, luôn tận dụng quỹ thời gian rảnh và bắt tay vào hành động. Chúc các bạn thành công với con đường mà mình lựa chọn