Nhà trường là nơi “ươm mầm” khởi nghiệp

Những năm gần đây, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đã có một bước tiến dài. Trong bối cảnh đó, sự ra đời của Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30-10-2017 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” đã thể hiện sự quan tâm của Chính phủ với khởi nghiệp trong nhà trường, nơi vốn được xem là “đầu vào” của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Đề án góp phần tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Khởi nghiệp - “làn sóng mới” trong giới trẻ
 Nhóm sinh viên Trường ĐH Kinh tế – Kỹ thuật công nghiệp giới thiệu dự án khởi nghiệp.

Sau 4 năm triển khai, đề án đạt được những thành công nhất định. Tỷ lệ các cơ sở giáo dục đại học đưa khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn tăng từ 30% cuối năm 2020 lên 33% cơ sở đào tạo vào cuối năm 2021, với tối thiểu 1 tín chỉ/môn học. 75% cơ sở đào tạo đã tổ chức được các hoạt động đào tạo ngắn hạn cho sinh viên thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp. 100% cơ sở đào tạo xây dựng các chương trình truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên thông qua các diễn đàn, tuần sinh hoạt công dân đầu khóa.

Bắt nguồn từ thực tế nhiều sinh viên trong quá trình học tập trải qua các công việc bán thời gian hoặc thời vụ, nhưng dễ rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo “đa cấp”, nhóm sinh viên Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh chia sẻ về dự án khởi nghiệp “EASY FREELANCE-Công việc tự do, dễ dàng tiếp cận”.

Dự án được xây dựng đã kết nối sinh viên với các doanh nghiệp, tạo cho sinh viên cơ hội việc làm tốt hơn, hạn chế rủi ro và cũng giúp doanh nghiệp tìm được người đồng hành với mức chi phí tiết kiệm hơn. Trong khi đó, dự án “Wellife-Ứng dụng hỗ trợ quản lý dùng thuốc và kết nối trong điều trị” của đội học sinh Trường THPT Trần Phú (tỉnh Vĩnh Phúc) giúp kết nối nhân viên y tế với bệnh nhân.

Chia sẻ về dự án “Chuỗi cung ứng và kinh doanh các sản phẩm từ củ Hoàng Sin Cô bản địa” của nhóm, em Nguyễn Minh Anh, học sinh lớp 12D1, Trường THPT số 1 TP Lào Cai (tỉnh Lào Cai) cho biết: “Dự án được triển khai với mong muốn nhiều người biết đến đặc sản Lào Cai, cũng như tháo gỡ một phần khó khăn cho đồng bào người Mông, người Hà Nhì ở huyện Bát Xát. Ban đầu, chúng em gặp rất nhiều khó khăn do chưa cân đối được tài chính cũng như thời gian học với việc kinh doanh, nhưng với sự ủng hộ, đồng hành của thầy cô giáo, những vướng mắc dần được tháo gỡ”.  

Nguyễn Minh Anh mong muốn nhà trường tạo điều kiện cho học sinh được học, tiếp cận với kiến thức, kỹ năng về tư duy, sáng tạo khởi nghiệp từ sớm. Từ đó, học sinh có thể phát hiện được khả năng của bản thân, nhận thức được những xu hướng tiềm tàng về kinh doanh và khi học tiếp lên đại học có thể lựa chọn được đúng ngành, đúng nghề.

Phát triển hệ sinh thái hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp

Các nhà trường hiện đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Qua đó, nhiều bạn trẻ đã được khơi dậy khát vọng, tinh thần khởi nghiệp. Tuy nhiên, sinh viên Dương Thế Long, Trường Đại học Vin University cho rằng, đa số các phong trào khởi nghiệp của sinh viên hiện nay chỉ phát triển tại chính trường đại học mà sinh viên đó theo học, làm giảm đi sự kết nối giữa sinh viên các khối trường khác nhau, thiếu những mắt xích quan trọng trong việc phát triển mô hình, dự án khởi nghiệp.

Do đó, Thế Long đề xuất việc thúc đẩy và tạo dựng sự kết nối cho các sinh viên trên khắp cả nước bằng việc xây dựng một hệ thống website kết nối giữa sinh viên với các cố vấn, vườn ươm, quỹ đầu tư… giúp những dự án khởi nghiệp được tư vấn từ sớm, từ đó nâng cao khả năng thành công của các dự án và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đến sinh viên.

Ông Phạm Thành Huy, thành viên HĐQT Tập đoàn Phenikaa, Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho rằng, đối với khối phổ thông, không đặt bài toán các em làm gì ra tiền mà quan trọng là thay đổi cách suy nghĩ, định hướng tương lai của chính các em. Chẳng hạn, tại Phenikaa, chương trình tam giác hướng nghiệp rất hiệu quả, giúp kết nối các trường phổ thông. Thông qua sự kết nối của các sở giáo dục, các em được đỡ đầu về khoa học công nghệ, xây dựng cơ chế hỗ trợ tạo điều kiện cho các thầy cô tham gia các hoạt động khởi nghiệp cùng các em được tính giờ như giảng dạy.

Nhấn mạnh vai trò của giáo dục, đặc biệt là các trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng: “Nếu chia khởi nghiệp thành 3 giai đoạn gồm: Truyền cảm hứng; ý tưởng, giải pháp khởi nghiệp và quản trị doanh nghiệp, thì trong cả 3 giai đoạn đó, giáo dục đều có vai trò hết sức quan trọng”. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chỉ ra một số định hướng để các nhà trường triển khai trong thời gian tới nhằm hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp.

Trong đó, các trường cần cung cấp cho học sinh các chương trình đào tạo kiến thức, kỹ năng về tư duy sáng tạo và khởi nghiệp, thông qua các môn học, hoạt động đào tạo và hệ thống tài liệu. Cùng với đó, tổ chức các hoạt động hướng nghiệp, trải nghiệm thực tế để học sinh được chứng kiến các hoạt động về nghề nghiệp, việc làm từ đó định hướng đúng về năng lực sở trường, bản thân và hình thành các ý tưởng khởi nghiệp. Tạo môi trường để học sinh được tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, STEM các hoạt động thực hành, sản xuất thử thông qua môi trường doanh nghiệp.