Phạm Thị Hương

2024-05-06 15:41

Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam

Các tổ chức quốc tế đã đưa ra dự báo kinh tế Việt Nam năm 2024 có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn trong năm 2023.

 
Công nhân sản xuất linh kiện điện thoại thông minh tại một nhà máy vốn FDI ở Bắc Ninh - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Công nhân sản xuất linh kiện điện thoại thông minh tại một nhà máy vốn FDI ở Bắc Ninh – Ảnh: NGUYÊN BẢO

Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam sẽ được duy trì ở mức 6%.

Nhiều con số dự báo lạc quan về tăng trưởng

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo Việt Nam đứng thứ 20 thế giới với mức tăng trưởng năm 2024 đạt 5,8%. Tuy nhiên trong trung hạn, IMF kỳ vọng Việt Nam có nhiều cơ hội từ số hóa, chuyển đổi xanh và tăng trưởng kinh tế dự báo đạt 6,5%.

Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 là 5,5% và tiếp tục nằm trong nhóm đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Năm 2025 mức độ tăng trưởng có thể lên tới 6%.

Xuất khẩu dự kiến tăng trưởng 3,5% so với năm 2023, trong khi tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong nước cũng đang trong đà tăng dần. Lạm phát dự báo sẽ tăng nhẹ lên 3,5% trong năm 2024.

Theo Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings, chính sách tài chính và tiền tệ trong nước của Việt Nam đã hỗ trợ nhiều cho nền kinh tế. Theo đó, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,3% vào năm 2024 và 7,0% vào năm 2025.

Ngân hàng Standard Chartered dự báo GDP Việt Nam tăng 6%, thấp hơn mức 6,7% đưa ra trước đó. Ngân hàng UOB dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam đạt 6%.

Ngoài ra ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6% năm 2024 và 6,2% năm 2025. Tuy nhiên, ngân hàng này cũng đưa ra cảnh báo nhu cầu toàn cầu suy yếu, việc trì hoãn bình thường hóa lãi suất ở Mỹ và các nền kinh tế khác, cùng những căng thẳng địa chính trị tiếp diễn, có thể cản trở quá trình phục hồi hoàn toàn tăng trưởng của Việt Nam khi đang dựa vào xuất khẩu.

Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam, đồng thời nhận định Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất ASEAN về kinh tế số, đứng thứ ba Đông Nam Á về đầu tư vào start-up.

Ở trong nước, các hoạt động kinh tế, xã hội, sản xuất kinh doanh tiếp tục phục hồi và có mức tăng trưởng tích cực; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn, an ninh lương thực, an ninh năng lượng được bảo đảm.

Đón bắt cơ hội từ chuyển dịch vốn đầu tư, lựa chọn lợi thế cạnh tranh

Chính phủ đã quán triệt, nêu cao tinh thần “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm” và “5 đẩy mạnh”, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tiếp tục tập trung triển khai công việc, phấn đấu hoàn thành tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ và khối lượng công việc lớn đặt ra.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng trong thời gian tới, Việt Nam có nhiều triển vọng cải thiện tốc độ tăng trưởng thông qua việc thúc đẩy đầu tư công, tiêu dùng, du lịch; gia tăng đóng góp của số hóa, công nghệ cao vào tăng trưởng, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh, tận dụng xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài…

Nhiều tổ chức quốc tế cũng nhấn mạnh Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội từ các dòng đầu tư đang dịch chuyển, trong bối cảnh cạnh tranh ở khu vực rất gay gắt.

Theo đó Việt Nam cần lựa chọn các khâu, công đoạn có lợi thế cạnh tranh như ứng dụng AI, thiết kế chip AI, điện toán đám mây AI, gắn với sự tham gia của một số doanh nghiệp đa quốc gia hàng đầu để từ đó phát triển hệ sinh thái công nghệ cao.

Các chuyên gia quốc tế đánh giá cao công tác hoạch định, xây dựng chính sách và chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các bộ ngành, song nhấn mạnh cần chú trọng đẩy mạnh tiến độ, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách.

Tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế thông qua chính sách tài khóa để củng cố sự phục hồi, quan tâm đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng được thực hiện từ các nguồn tài chính công.

Nguồn: https://tuoitre.vn/nhieu-to-chuc-quoc-te-danh-gia-cao-trien-vong-kinh-te-viet-nam-20240506104515857.htm

Chia sẻ:
    Hiện chưa có bài đánh giá nào