1. Ngành Tài chính – Ngân hàng là gì?
Rất khó để định nghĩa chính xác về một chuyên ngành nhưng nhìn chung ta có thể thấy rằng, đây là một ngành học khá rộng, liên quan trực tiếp đến tất cả các dịch vụ giao dịch tài chính, lưu thông và vận hành tiền tệ. Cụ thể hơn, ngành Tài chính – Ngân hàng là kinh doanh về lĩnh vực tiền tệ thông qua ngân hàng và các công cụ tài chính được ngân hàng phát hành nhằm bảo lãnh, thanh toán, chi trả trong nội địa và quốc tế.
Liên quan đến ngành Tài chính – Ngân hàng ta còn có thể kể đến các lĩnh vực như: Tài chính doanh nghiệp, Tài chính bảo hiểm, Thuế, Ngân hàng, chuyên ngành về Phân tích tài chính,…
2. Học ngành Tài chính – Ngân hàng tại trường Học viện Tài Chính như thế nào?
Ngành Tài chính – Ngân hàng tại AOF gồm 10 chuyên ngành khác nhau, cho teen thỏa sức lựa chọn: Quản lý Tài chính công, Tài chính doanh nghiệp, Thuế, Tài chính quốc tế, Tài chính Bảo hiểm, Ngân hàng, Phân tích chính sách tài chính, Hải quan, Định giá Tài sản, Đầu tư tài chính.
Nhìn chung, Tài chính ngân hàng là một trong các ngành học đòi hỏi sinh viên theo học ngành này phải cực kỳ chăm chỉ và liên tục cập nhật, học hỏi, tích lũy kiến thức chuyên môn về ngành. Tài chính – Ngân hàng bao gồm rất nhiều các lĩnh vực về tài chính (doanh nghiệp, bảo hiểm, thuế) hay bạn sẽ phải trau dồi và học hỏi các kiến thức chuyên môn trong việc phân tích tài chính cũng như kinh tế học.
Khi theo học ngành Tài chính – Ngân hàng bạn sẽ được trau dồi các kiến thức chuyên môn về việc phân tích và đầu tư vốn tài chính trên thị trường, nắm bắt về thị trường tiền tệ trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay. Bên cạnh đó bạn còn được truyền đạt các kỹ năng về nghiệp vụ làm việc ở các tổ chức, doanh nghiệp ngân hàng hay các doanh nghiệp, tổ chức thương mại. Được đào sâu, nghiên cứu về các lĩnh vực mang tính vĩ mô như sự tăng giảm của tiền tệ; phân tích và dự báo về tài chính để có thể tự đưa ra được các quyết định trong khâu quản trị tài chính.
Sinh viên theo học ngành tài chính ngân hàng có nhiều cơ hội được tiếp cận và rèn luyện khả năng đối đầu với những khó khăn, những bài toán thị trường và xử lý nhạy bén các vấn đề phát sinh trong cơ chế thị trường.
Ngoài ra bạn còn được trau dồi nhiều kỹ năng mềm quan trọng như: kỹ năng giao tiếp với khách hàng, giới thiệu sản phẩm, thuyết phục khách hàng, kỹ năng quản lý thời gian, tư duy phản biện, kỹ năng phân tích, làm việc theo nhóm…
3. Điểm chuẩn ngành Tài chính – Ngân hàng
4. Cơ hội nghề nghiệp và mức lương của sinh viên học ngành Tài chính – Ngân hàng
Sinh viên của Học viện Tài chính thì phần lớn ra trường sẽ có được việc làm sau, đây là một ưu điểm rất lớn khi bạn đăng ký nguyện vọng vào Học viện Tài chính trong kỳ thi tuyển sinh đại học. Trên thực tế thì ở AOF có rất nhiều bạn sinh viên tuy chưa ra trường nhưng cũng đã được các doanh nghiệp rất chào đón. Vì trường Học viện Tài Chính luôn là một trong những trường đào tạo hàng đầu về các lĩnh vực kế toán, ngân hàng, tài chính, vậy nên sinh viên tốt nghiệp từ trường AOF luôn được các nhà tuyển dụng đánh giá cao hơn khi tuyển dụng.
Sinh viên tốt nghiệp ngành Tài chính – Ngân hàng có khả năng đảm nhận những công việc chuyên môn liên quan đến Quản lý Tài chính công; Thuế; Tài chính – Bảo hiểm; Tài chính quốc tế; Phân tích tài chính; Hải Quan và Nghiệp vụ ngoại thương; Tài chính doanh nghiệp; Ngân hàng; Thẩm định giá và Kinh doanh bất động sản; Đầu tư tài chính; Phân tích chính sách tài chính ở các cơ quan quản lý nhà nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, Ban, Ngành, Tổng cục, Ban quản lý dự án, Ban quản lý khu công nghiệp, Uỷ ban nhân dân các cấp, các Sở, Phòng, Ban, trường học, bệnh viện, Ngân hàng, Kho bạc, các Tập đoàn, Tổng công ty, các doanh nghiệp trong và ngoài nước,..
Một số vị trí làm việc cụ thể bạn có thể theo đuổi như: Chuyên viên tín dụng ngân hàng; Chuyên viên kinh doanh tiền tệ; Chuyên viên quản trị tài sản và nguồn vốn Chuyên viên tài trợ thương mại; Chuyên viên kế toán, kiểm toán nội bộ ngân hàng thương mại; kế toán viên phòng thanh toán quốc tế, nhân viên kinh doanh ngoại tệ; Chuyên viên phân tích tài chính doanh nghiệp; Chuyên viên định giá tài sản; Chuyên viên mua bán, sát nhập doanh nghiệp… Giảng viên ngành Tài chính – Ngân hàng.
So với mặt bằng chung các ngành nghề, thu nhập của những người làm trong ngành ngân hàng vẫn giữ ổn định và tương đối cao, đặc biệt là ở các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài và ngân hàng tuyến Trung ương. Ngành Tài chính – Ngân hàng thuộc top 10 ngành có mức lương cao nhất theo các hợp đồng tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao trong nhiều năm gần đây.
Mức lương ở các vị trí trong ngành ngân hàng tại Việt Nam có sự chênh lệch phụ thuộc vào thâm niên làm việc (Theo kết quả khảo sát của mạng lưới nhân sự lớn tại Đông Nam Á JobStreet). Nhân viên ngân hàng mới ra trường thì có mức lương tháng trung bình 5-9 triệu đồng mỗi tháng. Nhân viên có kinh nghiệm nhiều năm thì mức lương tháng trung bình vào khoảng 6,7-11 triệu đồng. Các chuyên viên, nhân sự cấp cao có lương 7-12 triệu đồng/tháng, các cấp quản lý và trưởng phòng mức lương sẽ dao động 12 – 25 triệu đồng một tháng.
5. Những tố chất cần có để học tốt ngành Tài chính- Ngân hàng
Muốn theo đuổi ngành Tài chính – Ngân hàng bạn cần phải là người yêu thích các con số để phân tích dự đoán xu hướng tài chính nhằm khám phá cơ hội phát triển liên quan đến Tài chính – Ngân hàng.
Có khả năng tính toán, trí nhớ tốt và tư duy logic. Chính vì vậy, những người học ngành Tài chính – Ngân hàng cần học tốt các môn học tự nhiên, đặc biệt là môn Toán.
Luôn trung thực, cẩn trọng và chính xác: Tài chính – Ngân hàng là một lĩnh vực liên quan đến tiền tệ, vậy nên chỉ cần một sai sót nhỏ cũng sẽ kéo theo những hệ quả khó lường.
Giỏi ngoại ngữ và tin học: Đây là kỹ năng rất cần thiết trong mọi ngành nghề. Đặc biệt trong ngành Tài chính – Ngân hàng, khi có khả năng ngoại ngữ, các bạn sẽ tham khảo được các tài liệu liên quan đến tài chính thế giới, đọc báo cáo tài chính của các nước tiến bộ,… Kỹ năng tin học tốt giúp bạn xử lý dữ liệu tính toán nhanh, tiết kiệm công sức và thời gian nhằm đạt được hiệu quả cao trong công việc.
Chịu được áp lực cao, biết cách phân bổ và quản lý thời gian: Liên quan đến tiền bạc nên việc làm trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng yêu cầu chúng ta chịu được áp lực tốt vì tính chính xác cao. Việc phân bố thời gian hợp lý cũng vô cùng quan trọng trong quá trình làm việc, giúp chúng ta quản lý công việc và không bị quá tải.
Hiện nay, ngành Tài chính – Ngân hàng đang được chú trọng đầu tư về chất lượng giáo dục. Trong thời đại hội nhập và phát triển kinh tế ngày nay, ngành học này sẽ luôn mở ra cơ hội việc làm rộng mở cho sinh viên. Hy vọng qua bài viết này, các bạn sẽ có kiến thức để lựa chọn đúng hướng đi của mình trong tương lai. Chúc các bạn thành công!