Tọa lạc tại Cô Lô Nhuê (Cổ Nhuế), ngoài danh xưng “King” được trao cho Đại học Mỏ – Địa chất thì thiếu sao được “Queen” đất này – Học viện Tài chính. Là một trong những trường top đầu về khối kinh tế, Học viện Tài Chính đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của các bạn học sinh cũng như các vị phụ huynh. Hàng loạt những thắc mắc như: Trường Học viện Tài chính có tốt không, Cơ hội việc làm sau khi học tại Học viện Tài chính ra sao?… Để giải đáp các thắc mắc này, hãy cùng nhau đọc ngay bài viết dưới đây để có cái nhìn toàn diện nhất nhé!
1. Giới thiệu chung về AOF
Học viện Tài chính có tên tiếng Anh là Academy of Finance
Tên viết tắt là AOF
Địa chỉ của trường nằm tại: 58 phố Lê Văn Hiến, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Trang web chính thức: https://hvtc.edu.vn
Trường được thành lập ngày 17/8/2001, là kết quả của việc sáp nhập 3 đơn vị: Trường Đại học Tài chính – Kế toán Hà Nội (trước đây là Trường cán bộ Tài chính – Kế toán Ngân hàng Trung ương, thành lập năm 1963), Viện Nghiên cứu Tài chính và Trung tâm Bồi dưỡng Cán bộ Tài chính.
Sứ mệnh của trường là đào tạo ra những nhân tài về các lĩnh vực tài chính, kế toán, quản trị kinh doanh, tiếng Anh Tài chính và Tin học Tài chính kế toán; Nghiên cứu khoa học và bồi dưỡng công nghệ quản lý về lĩnh vực tài chính, kế toán, quản trị kinh doanh phục vụ hoạch định chính sách tài chính, kinh tế cho ngành và cho đất nước; phục vụ giảng dạy và quản lý; Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh và chuyên môn, nghiệp vụ, công nghệ quản lý về tài chính – kế toán.
2. Cơ sở vật chất trường Học viện Tài Chính
Để nhận xét về cơ sở vật chất của trường Học viện Tài chính thì có thể tóm tắt bằng 3 từ: Sang – Xịn – Mịn. Tại đây có thư viện hiện đại, phong phú chủng loại giáo trình, sách chuyên ngành; chuyên khảo và các lĩnh vực văn hóa, lịch sử, kỹ năng mềm… tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhu cầu của sinh viên và giảng viên. Sinh viên có thể chọn và mượn sách trực tuyến. Thư viện còn được trang bị khoảng 30 máy tính phục vụ việc tra cứu dữ liệu và truy cập Internet của sinh viên. 02 phòng học Ngoại ngữ đa năng với nhiều đầu sách và thiết bị hỗ trợ việc tự học ngoại ngữ.
Ngoài ra, trường còn trang bị hệ thống camera giám sát tới từng “chân tơ kẽ tóc” của bạn, ở khắp các giảng đường nhằm nâng cao chất lượng dạy và học của giảng viên, sinh viên Học viện với hơn 150 camera 360 độ, đảm bảo an ninh, an toàn và chất lượng học tập, giảng dạy.
Trường sở hữu 4 khu KTX với sức chứa lên tới gần 2000 sinh viên, cơ sở vật chất hiện đại, vệ sinh và được đảm bảo an ninh tốt. Ngoài ra, hệ thống mạng internet phủ sóng khuôn viên trường học và KTX giúp sinh viên và giảng viên dễ dàng truy cập mọi lúc, mọi nơi, hướng tới mô hình đại học thông minh.
3. Học viện Tài Chính đào tạo những ngành học nào?
Học viện Tài chính bao gồm 6 ngành chính (Ngành Tài chính – Ngân hàng, Ngành Kế toán, Ngành Quản trị Kinh doanh, Ngành Hệ thống Thông tin quản lý, Ngành Ngôn ngữ Anh, Ngành Kinh tế) và 20 chuyên ngành khác nhau để bạn có thể lựa chọn phù hợp năng lực, mong muốn của bản thân, hãy cùng tham khảo các ngành học tại Học viện Tài chính nhé!
STT | Tên ngành | Tên chuyên ngành |
1 | Hải quan & Logistics | |
2 | Phân tích tài chính | |
3 | Tài chính doanh nghiệp | |
4 | Kế toán doanh nghiệp | |
5 | Kiểm toán | |
6 | Ngôn ngữ Anh | |
7 | Kinh tế | |
8 | Quản trị kinh doanh | |
9 | Hệ thống thông tin quản lý |
Xem thêm: Điểm chuẩn Học viện Tài chính
4. Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp Học viện Tài chính
Với sinh viên Học viện Tài chính, cơ hội việc làm luôn rộng mở tại các doanh nghiệp tài chính lớn hàng đầu cả nước, cơ quan nhà nước, các ngân hàng nhà nước, ngân hàng thương mại. Ngoài ra, với yêu cầu đầu ra tiếng Anh 650+ TOEIC và 5.5 IELTS, các bạn sinh viên HVTC có thể rèn luyện kỹ năng và thử sức trong các doanh nghiệp quốc tế.
Qua kết quả khảo sát việc làm cho thấy, các khóa sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm sau 6 tháng tốt nghiệp, có nhiều bạn sinh viên chưa ra trường nhưng cũng đã được các doanh nghiệp chào đón. Là một trong những trường đào tạo hàng đầu về kế toán, ngân hàng, tài chính, sinh viên tốt nghiệp AOF luôn được các nhà tuyển dụng đánh giá cao hơn khi tuyển dụng. Tỷ lệ sinh viên có việc sau tốt nghiệp luôn đạt trên 97%; làm việc phù hợp với ngành đào tạo đạt trên 81%; thu nhập trung bình/tháng sau 1 năm tốt nghiệp ở mức khá cao (trên 75% có thu nhập bình quân/tháng trong khoảng từ 6 triệu đến 12 triệu đồng).
5. Đời sống sinh viên Học viện Tài chính
Học viện và Đoàn thanh niên trường tổ chức rất nhiều chương trình, hoạt động ngoại khoá giúp các bạn sinh viên gắn kết và năng nổ hơn: Cuộc thi Olympic Kinh tế học, Hội trại chuyên ngành, AOF Truyền thống và Tương lai, Gameshow “Con số và nốt nhạc”, cuộc thi Melody for You, Tìm kiếm Tài năng sinh viên (Đoàn Thanh niên), Chương trình Chào Tân Sinh viên, Hội ngộ Tháng giêng, Big Games, Micro Vàng, Golden Mask, Mùa hè Tình nguyện, Tiếp sức Mùa thi (Hội sinh viên), Hội thi sinh viên thanh lịch,…. Các hoạt động này rất thu hút không chỉ các bạn sinh viên trong trường mà cả các bạn sinh viên các trường trong khu vực cũng rất háo hức, vì Học viện Tài chính luôn nổi tiếng với dàn nữ sinh cực xinh đẹp và tài năng.
Ngoài ra, quanh khu Học viện Tài chính là những “thiên đường quán ăn ngon, bổ, rẻ”. Tại đây, bạn sinh viên sẽ có cơ hội trải nghiệm vô vàn những món ăn ngon, lạ và có một mức giá rất sinh viên. Tuy tọa lạc ở vị trí khá xa so với trung tâm thành phố, nhưng những đặc sản xung quanh học viện cũng vô cùng độc đáo và đem lại những trải nghiệm mới lạ và những nét rất riêng.
Trường Học viện Tài chính tổ chức rất nhiều hoạt động thể dục, thể thao. Ngoài việc tập trung vào chất lượng đào tạo thì nhà trường cũng rất quan tâm đến các phong trào thể dục thể thao cho sinh viên. Nhà trường luôn muốn mỗi sinh viên đều được phát triển cả về tri thức và thể chất. Nếu bạn là người yêu thể thao thì đây là môi trường rất thích hợp với bạn. Các hoạt động thể dục thể thao rất đa dạng, từ chạy bộ, đá bóng, cầu lông, bóng rổ, bóng chuyền.
6. Mức học phí
Học viện Tài Chính thu học phí được tính trên tổng số tín chỉ của các môn học sinh viên đăng ký học trong 1 học kỳ. Mức học phí chương trình học năm học này thu trên 1 tín chỉ học phí, chính vì thế mà mỗi ngành có mỗi mức thu khác nhau theo số tín chỉ mà mình sẽ học.
Học phí Học viện Tài Chính năm 2022 – 2023 mới nhất:
- – Chương trình chuẩn: 15 triệu đồng/năm
- – Chương trình chất lượng cao: 45 triệu đồng/năm
Học phí có thể tăng hoặc giảm theo từng năm nhưng không vượt quá 10% so với năm trước đó.
7. Cựu sinh viên ưu tú
Qua quá trình xây dựng và phát triển, Học viện đã đào tạo ra hơn 300 tiến sĩ, trên 5000 thạc sĩ và nhiều cử nhân, thạc sĩ trong nước và quốc tế. Nhiều cử nhân kinh tế xuất phát từ các nước bạn Lào, Campuchia hiện đang nắm giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước.
Một số cựu sinh viên tiêu biểu xuất thân từ AOF như:
- – Vương Đình Huệ: nguyên Tổng Kiểm toán Nhà nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam, ….
- – Nguyễn Sinh Hùng: nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam, nguyên Chủ tịch Quốc hội Việt Nam
- – Nguyễn Thị Kim Ngân: nguyên Bộ Trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội,….
- – Đinh Tiến Dũng: nguyên Tổng Kiểm toán Nhà nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam,…..
- – Đinh La Thăng: nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam,
Ngoài ra, không thể không nhắc tới cô nàng youtuber nổi tiếng Hậu Hoàng với những MV chế nhạc đình đám, tài năng, nổi tiếng trên các trang mạng xã hội. Có thể nói, sinh viên Học viện Tài chính không chỉ giỏi về chuyên môn, mà còn có kỹ năng mềm vô cùng đáng nể.
Hi vọng những review tổng quan về trường Học viện Tài Chính sẽ giúp các bạn học sinh hình dung rõ hơn về trường, cơ sở vật chất và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Chúc các bạn sẽ tìm được một ngôi trường lý tưởng để gửi gắm 4 năm thanh xuân của mình nhé!