(Dân trí) – Để đảm bảo an toàn khi giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng/lần và 20 triệu đồng/ngày, từ ngày 1/7, người dân bắt buộc phải xác thực sinh trắc học với ngân hàng.
Theo quy định tại Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước, từ hôm nay (1/7), người dân muốn giao dịch chuyển khoản trên 10 triệu đồng/lần hoặc trên 20 triệu đồng/ngày cần phải xác thực sinh trắc học trên ứng dụng của ngân hàng.
Các quy định này nhằm đảm bảo đúng là chính chủ đang thực hiện chuyển tiền, qua đó góp phần đảm bảo an toàn cho chủ tài khoản.
4 cấp độ cần xác thực
Theo quyết định nêu trên, cơ quan quản lý tiền tệ phân loại 4 cấp độ cần phải xác thực từ đơn giản tới phức tạp (phân loại từ A, B, C, D). Sự khác biệt về yêu cầu giữa các cấp độ xuất phát từ quy mô thanh toán.
Trong đó, cấp C và cấp D buộc phải được xác thực sinh trắc học thì mới có thể giao dịch trên 10 triệu đồng, còn giao dịch cấp thấp nhất là A và B không yêu cầu phải xác thực sinh trắc học.
Cụ thể, với giao dịch loại A, người dân chỉ cần vào bằng tên đăng nhập, mật khẩu hoặc mã PIN và không bắt buộc xác thực tại bước thực hiện giao dịch nếu đã đăng nhập trước đó. Hình thức này áp dụng với các giao dịch tra cứu thông tin; chuyển tiền trong cùng ngân hàng, cùng chủ tài khoản hoặc thanh toán dưới 5 triệu đồng.
Xác thực loại B bằng các hình thức OTP, nhận dạng sinh trắc học gắn với thiết bị cầm tay, hoặc bằng chữ ký điện tử để chuyển tiền cho người khác, nạp và rút tiền với ví điện tử. Quy mô giao dịch là dưới 10 triệu đồng mỗi lần và dưới 20 triệu đồng mỗi ngày. Xác thực cấp độ này cũng áp dụng cho giao dịch thanh toán có giá trị 5-100 triệu đồng trong một lần hoặc một ngày giao dịch.
Việc nhận dạng sinh trắc học gắn với thiết bị cầm tay khác với việc nhận dạng đặc điểm sinh trắc của người dùng với thông tin đã đăng ký tại dữ liệu dân cư quốc gia của Bộ Công an cung cấp.
Với giao dịch loại C và D, khách hàng buộc phải xác thực sinh trắc học tuy nhiên sẽ khác nhau về quy mô tiền gửi.
Trong đó, cấp độ C chỉ yêu cầu xác thực bằng sinh trắc học khớp với các nguồn dữ liệu đã định danh. Còn cấp D yêu cầu kết hợp sinh trắc học kèm với một biện pháp khác như OTP cấp độ cao, FIDO (Fast IDentity Online) không dùng mật khẩu mà dùng kết hợp thiết bị phần cứng và phần mềm hoặc chữ ký điện tử an toàn.
Cấp độ C áp dụng cho việc chuyển tiền một lần từ 10 đến 500 triệu đồng, nếu cao hơn người dân phải áp dụng cấp D. Tổng số tiền chuyển khoản, nạp ví điện tử trên 1,5 tỷ đồng, chuyển tiền ra nước ngoài trên 200 triệu mỗi lần hoặc trên 1 tỷ đồng mỗi ngày cũng phải xác thực cấp D – cấp độ cao nhất.
Hơn 10% giao dịch khách hàng cần thực hiện sinh trắc
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Hồng Phúc – Phó tổng giám đốc Agribank – nhận định quy định mới của Ngân hàng Nhà nước vừa đảm bảo an toàn và cũng vừa bảo vệ lợi ích của khách hàng, nhằm ngăn chặn những hành vi lừa đảo trực tuyến, lừa đảo công nghệ cao mà thời gian qua đã có nhiều vụ việc, số tiền lừa đảo lên tới hàng tỷ đồng.
“Tôi cho rằng quy định này thúc đẩy các ngân hàng nâng cao năng lực trang bị về công nghệ, tiến tới sẽ có những biện pháp ứng dụng công nghệ AI để ngày càng thuận lợi cho khách hàng và bảo vệ khách hàng được tốt hơn”, ông Phúc nói.
Ông Phúc thông tin, phía Agribank nói riêng và các ngân hàng nói chung đều triển khai trang bị cơ sở hạ tầng, công nghệ, con người, có biện pháp để đảm bảo thực hiện đúng từ 1/7 theo quy định. Theo thống kê, trong phạm vi yêu cầu thực hiện xác thực sinh trắc học của Quyết định 2345, có khoảng hơn 10% giao dịch khách hàng cần thực hiện sinh trắc.
“Khi người dân thực hiện thu thập sinh trắc học thì sẽ phải thông qua dữ liệu quốc gia về dân cư tại Bộ Công an, phù hợp với dữ liệu chip đang được lưu trong kho dữ liệu dân cư trước đây do Bộ Công an đã thu thập qua căn cước công dân. Việc đảm bảo sự an toàn, tránh sai sót dẫn đến có thể lừa đảo”, ông Phúc nhấn mạnh.
Nguồn: Báo dân trí